Câu hỏi
Đề nghị
cho biết những hành vi tham nhũng nào bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình
sự?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP thì các hành vi tham nhũng được quy định tại
các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định
theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cụ thể, Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi,
bổ sung năm 2009) quy định các hành vi tham nhũng ở phần các tội phạm về tham
nhũng như sau:
- Tội tham ô tài sản
(Điều 278): Hành vi tham nhũng thuộc tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng
chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị
từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm
trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm
về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Tội nhận hối lộ (Điều
279): Hành vi tham nhũng thuộc tội nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ,
quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu
đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử
lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Tội lạm dụng chức vụ,
quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280): Hành vi tham nhũng thuộc tội lạm dụng
chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn
chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc
dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm.
- Tội lợi dụng chức vụ,
quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (Điều 281): Hành vi
tham nhũng thuộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ,
công vụ vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng
chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của
xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Tội lạm quyền trong
khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (Điều 282): Hành vi tham nhũng thuộc tội
lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi
hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây
thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân.
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người
khác để trục lợi (Điều 283): Hành vi tham nhũng thuộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người
khác để trục lợi là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua
trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới
bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu
đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn
vi phạm để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm
hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công
việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.
- Tội giả mạo trong
công tác vì vụ lợi (Điều 284): Hành vi tham nhũng thuộc tội giả mạo trong công
tác vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức
vụ, quyền hạn thực hiện sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm,
cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Trân trọng./.